7 lỗi thường gặp ở van bướm và cách khắc phục
Trong quá trình vận hành van bướm thường có các vấn đề phát sinh mà chúng ta không lường trước được. Điều này gây ảnh hưởng cho toàn hệ thống và giảm hiệu quả làm việc. Với kinh nghiệm nhiều năm cung cấp, lắp đặt van công nghiệp, chúng tôi sẽ chia sẻ 7 lỗi thường gặp ở van bướm trong quá trình sử dụng. Từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục phù hợp.
Van bướm gây ra tiếng ồn lớn khi vận hành
Thông thường, khi được lắp đặt đúng cách thì van sẽ hoạt động êm, không tạo tiếng ồn lớn. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp sau khi đưa vào vận hành lại có tiếng ồn rất lớn. Điều này phần lớn là do lắp đặt van bướm không đúng cách.
Khi lắp đặt van bướm, các bộ phận không được lắp chắn chắn nên khi vận hành dễ bị rung, va đập vào đường ống. Từ đó gây nên rò rỉ lưu chất và tạo ra tiếng ồn.
Để khắc phục vấn đề này, cần đảm bảo các bộ phận, bulong đều được siết chặt, chắc chắn. Như vậy thì khi hoạt động, các bộ phận không bị va đập vào đường ống.
Tham khảo thêm: Van bướm và van cầu khác nhau như thế nào?
Van bướm bị rò rỉ lưu chất ra ngoài
Trường hợp này không phải hiếm gặp, đặc biệt trong các đường ống đã sử dụng van bướm trong thời gian dài. Như đã trình bày ở trên, việc lắp đặt lỏng lẻo cũng dẫn đến việc rò rỉ lưu chất.
Ngoài ra, khi van hoạt động liên tục trong thời gian dài cũng khiến gioăng làm kín bị mài mòn. Hoặc sử dụng van trong các đường ống chứa lưu chất không phù hợp cũng gặp tình trạng tương tự.
Để khắc phục vấn đề này, trước hết cần phải lựa chọn loại gioăng phù hợp với lưu chất trong đường ống. Ngoài ra, khi dùng lâu trong lưu chất có tính ăn mòn thì gioăng cũng bị ăn mòn. Vậy nên cần kiểm tra định kỳ để thay thế kịp thời khi gioăng có dấu hiệu rò rỉ.
Tham khảo thêm Cách lựa chọn gioăng làm kín van bướm
Đĩa van bị kẹt, không thể đóng hoàn toàn
Đĩa van không thể đóng kín đồng nghĩa với việc van luôn ở trạng thái mở. Có thể là mở hoàn toàn hoặc mở với các góc nhỏ. Về lâu dài, điều này gây nên ảnh hưởng tới hiệu suất của hệ thống.
Nguyên nhân thường là do trong đường ống chứa chất thải chưa qua xử lý hoặc chất rắn bị kẹt lại. Đối với trường hợp này, chỉ cần tháo van ra khỏi đường ống để vệ sinh toàn bộ, loại bỏ tạp chất. Sau đó lắp đặt lại vào hệ thống. Đồng thời, nên sử dụng thêm lọc y ở đầu hệ thống để hạn chế các tình trạng này.
Một nguyên nhân khác có thể kể tới là phần trục kết nối với cánh van bị hỏng. Khi vận hành, trục van gãy hoặc cong vênh khiến cánh van không ở đúng vị trí nên không thể hoạt động bình thường. Lúc này, bạn chỉ cần tháo trục ra để kiểm tra tình trạng thực tế. Nếu trục có dấu hiệu cong vênh thì chỉ cần nắn thẳng rồi lắp lại. Nếu trục bị gãy thì tìm kiếm và thay thế bằng trục mới để đảm bảo hoạt động của van.
Để hiểu rõ về hoạt động các bộ phận của van, xem chi tiết tại Cấu tạo và nguyên lý làm việc của van bướm
Van bị hỏng bộ điều khiển
Van bị hỏng bộ điều khiển là lỗi thường gặp ở van bướm khi sử dụng lâu hoặc lắp đặt ngoài trời. Các bộ điều khiển bằng tay thường bị rỉ sét, khô dầu tại điểm kết nối các bộ phận. Nếu gặp khó khăn trong vận hành, góc mở không chính xác thì cần tra thêm dầu vào các vị trí này.
Đối với các bộ điều khiển thường do nguồn cung cấp không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong trường hợp này cần kiểm tra lại nguồn cấp và bôi dầu lại những vị trí khô dầu.
Thân van bị rạn, nứt, không đảm bảo
Khi dùng trong thời gian dài, thân van bướm có thể bị rạn, nứt do làm việc trong môi trường quá áp lực và nhiệt độ. Điều này gây nên hư hỏng cho các phần kết nối.
Vậy nên khi chọn van bướm cho đường ống, phải chọn loại van phù hợp với yêu cầu đường ống về áp lực, nhiệt độ. Như vậy, độ bền của thân van mới được đảm bảo. Đồng thời duy trì ổn định hiệu suất làm việc của hệ thống.
Đôi khi thân van bị hỏng do chịu va đập từ bên ngoài. Với trường hợp này cần lưu ý không gian xung quanh vị trí lắp đặt van và hạn chế tác động quá mạnh tới thân van.
Không thể kết nối van với đường ống
Điều này thường xảy ra khi chọn sai kích thước van và tiêu chuẩn mặt bích. Khi kích thước van bướm không đúng với đường ống thì sẽ có sự chênh lệch về đường kính nên không lắp đặt được.
Mặt khác, van bướm kết nối với đường ống dạng wafer, lug, mặt bích và clamp. Trong đó, dạng clamp kết nối với đường ống rất đơn giản, không thông qua mặt bích. Van bướm wafer có thể dễ dàng lắp đặt với nhiều tiêu chuẩn mặt bích của đường ống.
Tuy nhiên, với kiểu lug và van bướm mặt bích, bắt buộc tiêu chuẩn mặt bích của đường ống phải phù hợp với tiêu chuẩn của van về số lỗ, kích thước,… Nếu không sẽ không thể lắp đặt.
Vậy nên, việc lựa chọn kích thước và tiêu chuẩn mặt bích rất quan trọng. Với mỗi sản phẩm đều có đầy đủ các thông tin về size, tiêu chuẩn kết nối, bạn chỉ cần lựa chọn chính xác loại phù hợp cho hệ thống của mình. Bạn có thể tham khảo bài viết Cách lựa chọn mặt bích cho van bướm để lựa chọn loại mặt bích phù hợp.
Không điều chỉnh được góc mở
Thực tế, van bướm không được sử dụng nhiều cho mục đích tiết lưu dòng chảy vì áp lực trong đường ống dễ gây hư hỏng cho đĩa van. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp sử dụng van bướm để tiết lưu dòng chảy, đặc biệt là khi sử dụng các bộ điều khiển tuyến tính.
Nếu van không thể điều chỉnh được góc mở, có thể do thiết bị không đáp ứng được nhu cầu làm việc với các góc mở nhỏ hơn 90 độ nên bị hư hỏng. Trường hợp này, bạn nên thay thế các loại van phù hợp với nhu cầu của hệ thống.
Một nguyên nhân khác là do các vị trí tại cổ van, trục van,… bị khô dầu nên việc đóng-mở có thể không chính xác. Để khắc phục, bạn chỉ cần thêm dầu bôi trơn tại các vị trí.
Như vậy, có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra trong đường ống. Để khắc phục được, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân cụ thể và tìm hướng giải quyết hợp lý. Hy vọng bài viết giúp bạn biết được những lỗi thường gặp ở van bướm và cách khắc phục hiệu quả. Nếu bạn còn gặp các trường hợp khác, hãy để lại bình luận phía dưới và Vanphukien sẽ giúp bạn giải đáp nhanh nhất.
Cập nhật vàoTham khảo thêm: